Theo kinh nghiệm của mình thì khi đan các kiểu đan mà 2 mặt khăn không giống nhau (có mặt trái, mặt phải ấy) thì ở 2 mép khăn nên đan mũi hình sóng hoặc mũi hạt gạo, mỗi mép khăn đan khoảng 4,5 mũi như vậy thì khăn sẽ đỡ bị cong.
Trong trường hợp đan như vậy rồi mà vẫn cong thì ngay khi khăn còn ẩm, mình là khăn bằng bàn là hơi nước: đặt bàn là cách khăn khoảng 1cm, hơi nước nóng khiến sợi len dãn ra và rất mềm, khi đó mình sẽ dễ dàng điều chỉnh bề mặt khăn và các mép khăn cho cân đối. Sau đó nhấc bàn là ra, đặt ngay 1 vật nặng, phẳng, nhẵn (nếu lạnh càng tốt)lên chỗ mà bạn vừa là, kiểu như mấy cô thợ may sau khi nhấc bàn là ra thường đập "bụp" 1 thanh đá dài dài lên miếng vải ấy, như thế để các mũi đan vào nếp rất tốt. Mình không có miếng đá thì dùng quyển sách thật dầy cũng được.
Mình đã đan vài cái khăn mỏng manh (kiểu như đan xương cá ấy) và đã kết hợp cả đan hạt gạo 2 mép khăn với là bằng bàn là hơi nước, kết quả là cái khăn rất mịn, bóng và mềm, như khăn dệt vậy.
Còn đan vặn thừng thì mình thấy là chỉ cần đan mũi hạt gạo ở 2 mép khăn là được rồi, không cần là đâu (trừ khi bạn nào muốn cái chỗ vặn ấy nó không phồng lên mà xẹp xuống - trường hợp này có thể áp dụng cho khăn nữ, còn khăn nam thì thường là để phồng phồng cho khỏe khoắn)